Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội mới đây ban hành quyết định đưa ra xét xử vụ án liên quan đến Công ty Việt Á và Học viện Quân y.
7 bị cáo hầu tòa, trong đó có 4 cựu quân nhân gồm: Hồ Anh Sơn, cựu thượng tá, cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y; Nguyễn Văn Hiệu, cựu đại tá, cựu Trưởng phòng Trang bị - Vật tư, Học viện Quân y; Ngô Anh Tuấn, cựu thiếu tá, cựu Trưởng phòng Tài chính, Học viện Quân y; Lê Trường Minh, cựu thiếu tá, cựu Trưởng ban Hóa dược, Phòng Trang bị - Vật tư, Học viện Quân y.
Ngoài ra, còn có các bị cáo Trịnh Thanh Hùng; cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN; Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á.
Dự kiến, phiên tòa được mở vào ngày 27.12 tới; do thẩm phán, trung tá Vũ Đức Việt làm chủ tọa.
Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát quân sự T.Ư, bị cáo Phan Quốc Việt bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
2 bị cáo Trịnh Thanh Hùng và Hồ Anh Sơn cùng bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 4 bị cáo còn lại cùng bị truy tố tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Hầu tòa, bị cáo Trịnh Thanh Hùng có 2 luật sư bào chữa, bị cáo Hồ Anh Sơn có 5 luật sư bào chữa, bị cáo Phan Quốc Việt có 1 luật sư bào chữa…
Học viện Quân y được xác định là bị hại trong vụ án, trong khi đó Công ty Việt Á là bị đơn dân sự.
Sắp xét xử vụ Việt Á, ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh hầu tòa
Biến của công thành "của ông"
Cuối năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát. Học viện Quân y đề xuất Bộ KH-CN giao cho đơn vị này phát triển bộ kit test.
Theo cáo buộc, do có quan hệ thân thiết với ông Phan Quốc Việt, ông Trịnh Thanh Hùng đã gọi điện cho ông Hồ Anh Sơn, đề nghị đưa Công ty Việt Á tham gia phối hợp nghiên cứu và được ông Sơn đồng ý.
Khoảng 1 tháng sau, Bộ KH-CN phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện chủng Covid-19, giao trực tiếp Học viện Quân y chủ trì và Công ty Việt Á phối hợp. Đề tài do ông Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm, kinh phí thực hiện gần 19 tỉ đồng, trích từ ngân sách.
Theo phân công, Học viện Quân y chịu trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng quy trình test xét nghiệm; Công ty Việt Á sẽ tiếp nhận quy trình này để tối ưu, hoàn thiện và sản xuất thử nghiệm 200.000 kit test, rồi bàn giao quy trình hoàn chỉnh cho Học viện Quân y nghiệm thu, bàn giao kết quả cho Bộ KH-CN. Bộ KH-CN là đại diện chủ sở hữu đối với kết quả nghiên cứu.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện quy trình và sản xuất thành công kit test xét nghiệm giai đoạn 1, ông Phan Quốc Việt đặt vấn đề muốn lập hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành, được sự nhất trí từ ông Trịnh Thanh Hùng và ông Hồ Anh Sơn.
Trên thực tế, pháp luật không quy định về nghiệm thu giai đoạn mà chỉ quy định nghiệm thu khi kết thúc đề tài, nhưng tháng 3.2020, Bộ KH-CN vẫn thành lập hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1. Đây là tiền đề để Công ty Việt Á lập hồ sơ đề nghị Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành đối với bộ sản phẩm kit test Covid-19.
Cơ quan tố tụng xác định, test xét nghiệm là kết quả nghiên cứu đề tài thuộc quyền sở hữu của Bộ KH-CN, nhưng cuối cùng Công ty Việt Á lại là đơn vị quản lý, sử dụng.
Sau khi chiếm dụng của công, Công ty Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá nguyên liệu đầu vào rồi bán, tặng, ứng trước hơn 8,3 triệu kit test cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước; được thanh toán gần 6 triệu kit test với tổng giá trị hơn 2.257 tỉ đồng, qua đó thu lợi bất chính hơn 1.235 tỉ đồng.
Xem nhanh 12h ngày 18.12: Thời sự toàn cảnh